Tagged: stem cell

Giới thiệu sách “Công nghệ Tế bào gốc”

Tế bào gốc (stem cell) đang được cộng đồng xã hội và các nhà khoa học quan tâm đặc biệt. Với niềm hy vọng to lớn, đông đảo công chúng đang dõi theo những kết quả mà các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc. Tin tức về những đột phá, tiến bộ mới, về những thành tựu trong nghiên cứu tế bào gốc không chỉ xuất hiện trên các tạp chí khoa học chuyên sâu, mà còn xuất hiện trên các báo hằng ngày, trên ti vi, đài phát thanh, internet… Người ta bàn thảo, tranh luận về tế bào gốc không chỉ trong các phòng nghiên cứu, mọi người cũng thông tin cho nhau, thảo luận sôi nổi về tế bào gốc tại Liên hiệp quốc, trên phố tài chính Wall, trong nhiều phiên họp của chính phủ, quốc hội. Giải thưởng Nobel năm 2007 được trao cho 3 nhà khoa học: Mario Capecchi, Martin Evans và Oliver Smithies là những người có liên quan mật thiết với lĩnh vực tế bào gốc.
Cho đến nay chúng ta có thể khẳng định diện mạo tế bào gốc có những đặc điểm chính như sau:
– Tế bào gốc là những tế bào có tiềm năng phát triển, tự làm mới và biệt hóa thành nhiều loại tế bào bình thường khác của cơ thể, chúng có thể bù đắp, thay thế các tế bào bị chết hoặc bị bệnh.
– Tế bào gốc tạo nên một lĩnh vực khoa học rất đặc biệt, rất chuyên sâu liên quan đến hầu hết các lĩnh vực y sinh học; lĩnh vực này đã biết đến từ lâu nhưng chỉ mới phát triển mạnh gần đây; tế bào gốc là vấn đề lý luận sinh học nhưng có tầm ứng dụng rộng lớn; nghiên cứu tế bào gốc đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền bạc, sức lực, nhưng hứa hẹn nhiều lợi nhuận.
– Nghiên cứu tế bào gốc không chỉ là nghiên cứu về sinh học tế bào, việc nghiên cứu này phải kết hợp với nghiên cứu sinh học phân tử, kỹ nghệ di truyền (genetic engineering), thao tác tế bào, chuyển gen… Nghiên cứu tế bào gốc cũng đang kết hợp với những nghiên cứu về kỹ nghệ mô (tissue engineering).
– Tính ứng dụng của tế bào gốc ngày càng rõ rệt. Bước đầu đã có một số bệnh nhân bị liệt tủy sống, tiểu đường, động mạch vành, ung thư… được điều trị có kết quả khả quan bằng công nghệ tế bào gốc.
– Nhiều chuyên gia về tế bào gốc hy vọng sẽ có một dự án tế bào gốc toàn cầu theo kiểu dự án bộ gen người (human genome project) mà đã được thực hiện thành công.
Ở Việt Nam, một số các nhà khoa học đã và đang bắt tay vào nghiên cứu tế bào gốc. Một số nhóm nghiên cứu tế bào gốc đã hình thành. Bộ Khoa học Công nghệ đã quan tâm đến lĩnh vực này và đầu tư cho các nghiên cứu. Mặc dù kết quả nghiên cứu còn khiêm tốn nhưng hy vọng tương lai gần, các nhà khoa học Việt Nam có thể đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong ứng dụng điều trị một số bệnh.
Các sách chuyên đề và thông tin về tế bào gốc ở nước ta còn rất hạn chế.
Trên tay của bạn đọc là quyển sách “Công nghệ tế bào gốc” đầu tiên ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phan Kim Ngọc cùng các đồng nghiệp trẻ tuổi với nhiệt huyết và cố gắng, vừa nghiên cứu thực hiện nhiều đề tài về tế bào gốc vừa tích lũy kiến thức để biên soạn quyển sách này. Đây là quyển sách có nội dung nghiêm túc, phong phú, khá toàn diện và chuyên sâu. Các tác giả không chỉ đề cập đến khái niệm, lý luận sinh học tế bào gốc, mà còn cũng cấp các kỹ thuật cơ bản về thu nhận, nuôi cấy, biệt hóa tế bào gốc. Các tác giả cũng đề cập đến các lĩnh vực ứng dụng, những vấn đề về đạo đức có liên quan khi nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc.
Hi vọng quyển sách này sẽ được các nhà khoa học, sinh viên, các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân và đông đảo bạn đọc đón nhận.
Bạn đọc đang có trên tay “Công nghệ tế bào gốc”. Xin hãy đọc, và bạn sẽ thấy nhiều điều bổ ích, lý thú, đồng thời cũng sẽ phát hiện những thiếu sót về nội dung cũng như hình thức của của sách và góp ý, trao đổi với các tác giả để khi tái bản, sách sẽ hoàn thiện hơn.
Rất mong được góp ý và trao đổi.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2009
GD. TS. TRƯƠNG ĐÌNH KIỆT
(Trường Đại học Y – Dược TP. Hồ Chí Minh)

MỤC LỤC
Phần 1: Đại cương về tế bào gốc
Chương 1: Vài nét về việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc
Chương 2: Tế bào gốc: Định nghĩa và phân loại
Chương 3: Tế bào gốc và tiềm năng ứng dụng
Chương 4: Tính vạn năng và sự tự làm mới

Phần 2: Tế bào gốc phôi
Chương 5: Tế bào gốc phôi và việc thu nhận tế bào gốc vạn năng
Chương 6: Nuôi cấy và tạo dòng tế bào gốc phôi
Chương 7: Tế bào mầm

Phần 3: Tế bào gốc trưởng thành
Chương 8: Ổ (niches) tế bào gốc trưởng thành
Chương 9: Nhận diện tế bào gốc: từ sinh học đến kỹ thuật
Chương 10: Tế bào gốc tạo máu
Chương 11: Tế bào gốc trung mô
Chương 12: Tế bào gốc vạn năng cảm ứng
Chương 13: Tế bào gốc rìa giác mạc và ứng dụng
Chương 14: Tế bào gốc cơ xương
Chương 15: Tế bào gốc da
Chương 16: Tế bào gốc của mô mỡ
Chương 17: Tế bào tiền than nội mô
Chương 18: Tế bào gốc thần kinh
Chương 19: Tế bào gốc nhũ nhi
Chương 20; Tế bào gốc ung thư
Chương 21: Các tế bào gốc khác

Phần 4: Liệu pháp tế bào gốc
Chương 22: Thử nghiệm tiền lâm sang liệu pháp tế bào gốc
Chương 23: Tế bào gốc trong điều trị bệnh thần kinh
Chương 24: Liệu pháp tế bào gốc trong bệnh tim mạch
Chương 25: Liệu pháp tế bào gốc trong bệnh tiểu đường
Chương 26: Tái tạo biểu mô và da
Chương 27: Ứng dụng tế bào gốc trong chấn thương chỉnh hình
Chương 28: Liệu pháp tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh tự miễn
Chương 29: Liệu pháp gen tế bào gốc

Phần 5: Bảo quản tế bào gốc
Chương 30: Bảo quản tế bào gốc
Chương 31: Ngân hàng tế bào gốc
Chương 32: Ngân hàng máu cuống rốn

Phần 6: Sản phẩm, sở hữu trí tuệ và đạo lý sinh học
Chương 33: Đạo lý sinh học trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc

Sách hiện đang được bán tại nhà sách Thăng Long, số 2 – Nguyễn Thị Minh Khai, Q1, TP Hồ Chí Minh, giá bìa 130000 VND

TẾ BÀO GỐC VÀ LIÊN HỆ ĐẠO ĐỨC

(Những danh xưng về tế bào bằng Việt ngữ xin tạm đặt để chỉ dùng trong giới hạn của bài này)

Năm 1998 bác sĩ James Thomson (Đại Học Wisconsin) loan tin thành công trong việc nuôi tế bào gốc (stem-cell) của người. Cả thế giới chấn động. Sau đó cuộc nghiên cứu tế bào gốc trở thành một phong trào và là một biến cố thời sự có tầm mức quốc tế. Tuy nhiên hướng đi của cuộc nghiên cứu đã vượt quá ranh giới của ngành khoa học. Nó đã xâm phạm đến những vấn đề lớn về xã hội, chính trị, và tôn giáo. Câu hỏi được đặt ra là cuộc nghiên cứu này có chính đáng hay không? Vấn đề nghiêm trọng đến mức Bộ Giáo Lý Đức Tin đã phổ biến nhiều huấn thị để bày tỏ lập trường của Giáo Hội. Gần đây nhất là văn kiện Dignitas Personae (Phẩm Giá Con Người) vào tháng 12 năm 2008. Để vấn đề có thể hình dung một cách cụ thể, xin phép lấy nước Mỹ làm bối cảnh cho sự trình bày. Trong vòng 5 năm qua, Hội Đồng Giám Mục Mỹ và hai Giáo Hoàng đều liên tiếp lên tiếng can thiệp với các tổng thống Bush và Obama xin hủy cuộc nghiên cứu tế bào gốc trên phôi bào.

 

Con Người Thành Hình Từ Những Tế Bào Gốc

Tế bào gốc là gì? Khi tinh trùng của người nam phối hợp với trứng của người nữ, chúng tạo nên một phôi bào (embryo). Bên trong phôi bào này, khởi đầu chỉ có một tế bào, nhưng nó có tiềm năng tạo nên một con người. Trong phôi bào, tế bào đầu tiên phát triển bằng cách tự phân thành 2 tế bào giống hệt nhau. Rồi hai tế bào này, mỗi cái lại tự phân đôi, tổng cộng thành 4 tế bào giống hệt nhau. Diễn tiến tiếp tục như vậy cho tới khi phôi bào có tới 64 tế bào thì phép lạ xảy ra. Tuy mỗi tế bào giống hệt nhau và tự nó có tiềm năng tạo nên toàn thể một con người, nhưng đột nhiên mỗi tế bào chỉ phụ trách một việc. Có tế bào chỉ sản xuất ra tóc, có tế bào chỉ sản xuất ra da, có tế bào chỉ sản xuất ra xương,v.v. Những tế bào này được gọi là những tế bào gốc vì chúng là gốc tạo ra sự sản xuất. Mỗi hướng sản xuất được gọi là một đường dây (line). Có hằng trăm đường dây tế bào khác nhau để cấu tạo nên một con người. Kỳ diệu ở chỗ các đường dây sản xuất phối hợp với nhau rất mạch lạc. Tóc không mọc ở lưng, tai không gắn vào đầu gối, tay không lòi ra từ rốn… Khoa học gia khám phá ra chính những mã số (cách xếp đặt các gene) trong DNA (Acid deoxyribonucleic) đã đặt ra chương trình cấu trúc con người cho các đường dây. Đồng thời họ cũng trực giác nhận ra các đường dây sản xuất này sẽ là những nguồn lợi vô cùng phong phú cho y khoa.

Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là: tách biệt các đường dây sản xuất để chúng tự hoạt động độc lập như những xưởng sản xuất cơ phận. Chẳng hạn tách biệt tế bào gốc của tim để dùng nó nó tạo ra quả tim tốt thay cho quả tim hư của bệnh nhân. Tham vọng này đưa tới những chương trình khảo cứu không thể tránh. Tuy nhiên khi cắt xé phôi bào ra từng đường dây như vậy, họ đã hủy bỏ chương trình tạo nên một đời sống. Nói trắng ra là họ đã giết một thai nhi. Do đó vấn đề đạo đức phải đặt ra cũng là việc không thể tránh.

 

Có Hai Loại Tế Bào Gốc

Ngày nay người ta biết có 2 loại tế bào gốc.

1.    Loại đa nguyên (totipotent). Loại đa nguyên là những tế bào gốc nguyên thủy nằm trong phôi bào (embryonis stem cells, gọi tắt là ES). Mỗi tế bào này, tự chính nó, có tiềm năng tạo nên toàn thể một con người. Gọi là đa nguyên vì nó có khả năng tạo nên bất cứ bộ phận nào của cơ thể mà nó muốn.

2.    Loại đa năng (pluripotent). Loại đa năng còn gọi là tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells, gọi tắt là AS). Chúng là những tế bào gốc đã thoát ly khỏi phôi bào và đã trưởng thành trong một chức vụ nào đó. Chẳng hạn tế bào tạo ra da.

Tế bào gốc trưởng thành (AS) là gì? Y học nhận ra rằng nhiều tế bào trong cơ thể đã được tái tạo. Chẳng hạn tế bào máu có một đời sống rất ngắn. Tế bào ở vách bên trong thành bao tử chỉ sống được 3 ngày là bị acid tiêu hóa hủy hoại. Như vậy chúng phải có tế bào gốc ở đâu đó để sản xuất ra những tế bào mới thay thế cho những tế bào đã chết. Loại tế bào gốc này được gọi là những tế bào gốc đã trưởng thành trong chức vụ. AS chỉ có thể tạo ra một số bộ phận khác nhau (cơ thể con người có hằng 1000 bộ phận khác nhau).

 

Kiến Thức Cập Nhật Về Tế Bào Gốc

Lúc đầu người ta tưởng rằng AS chỉ có ở những nơi mà tế bào có đời sống ngắn ngủi như ở tủy xương và ở bao tử. Năm 1992 viện nghiên cứu của University of Calgary, Canada, tìm ra AS trong não bộ của chuột. Viện nghiên cứu Osiris Therapeutics, ở Maryland, tìm ra AS ở tủy có khả năng không những tạo ra tủy mà còn tạo ra tế bào xương và mỡ. Những khám phá này mở màn cho những cuộc tìm tòi đầy hứng khởi. Các khoa học gia tin rằng AS có thể tìm thấy ở nhiều nơi khác trong cơ thể.

Cùng lúc ấy tế bào gốc đa nguyên (ES) cũng được nghiên cứu. Năm 1996 viện nghiên cứu của Indiana University thành công trong việc kích thích một ES trở thành tế bào tạo ra tim (thí nghiệm trên chuột). Tế bào gốc của người được thu thập đầu tiên vào năm 1998 do công trình của bs James Thomson (Đại Học Wisconsin) và bs John Gearhart (Đại Học Hopkins). Thomson tách ES ra khỏi phôi bào có 5 ngày tuổi. Mẫu thí nghiệm của ông là những phôi bào dư thừa của những vụ thụ thai nhân tạo trong ống nghiệm. Trong khi đó Gearhart tách AS ra khỏi thai nhi có khoảng 2 tháng đến 4 tháng tuổi. Những thai nhi này đã bị vứt bỏ qua những vụ phá thai. Cả hai đều thành công trong việc nuôi dưỡng những tế bào gốc trong ống nghiệm. Thành quả của Thomson và Gearhart được truyền bá khắp thế giới và thực sự mở màn cho kỷ nguyên “stem cells”. Các quốc gia và các trường đại học đổ xô vào nghiên cứu tế bào gốc.

Trước áp lực của vấn nạn đạo đức, một nhóm khoa học gia đặt kỳ vọng vào loại AS. Mục đích của họ là lấy AS gốc từ một nơi nào đó để chữa bộ phận bị hư trong cùng một cơ thể. Nghiên cứu của Tufts University cho biết tủy xương có khả năng cung cấp rất nhiều loại tế bào AS có năng lực giống như tế bào gốc đa nguyên. Một số nhà sinh vật học đã thành công biến tế bào máu, lấy từ tủy xương, thành tế bào gốc của hệ thần kinh. Lạc quan về sự phong phú của tủy xương, bs Douglas W. Losordo, Trung Tâm Nghiên Cứu Y Học Elizabeth, Boston gọi tủy xương là “xưởng sửa chữa”. Ông nói, “Tôi nghĩ hình ảnh ES sẽ mờ dần trong kính chiếu hậu của AS.”

Dự phóng này rất quan trọng, vì nếu họ thành công sẽ không còn phôi thai bị hủy. Mặc cảm đạo đức sẽ chấm dứt. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản vì AS rất khó tìm và rất khó nhận diện. Nó rất hiếm có, lại không có hình dáng hay màu sắc cá biệt, và sống lẫn lộn với những tế bào khác. Trên thực tế không ai biết nó nằm ở đâu. Khi hài nhi thành hình nó có khoảng 20 tỷ tế bào. Khi lớn lên con người tăng trưởng với tỷ tỷ tỷ tế bào trong đủ mọi thể loại. Mỗi loại lại gồm nhiều thể phụ, thí dụ tế bào máu có tới 5 thể phụ khác nhau. Trong rừng tế bào ấy sự tìm kiếm AS vô cùng gian nan. Nhóm nghiên cứu của ông Irving Weissman, thuộc, Stanford University, khảo sát về chuột, tìm thấy 1 AS lẫn trong 100,000 tế bào tủy xương. Vì sự khó khăn trong việc tìm kiếm AS gốc, nên thời gian và tiền bạc trở thành vấn đề quyết định cuộc nghiên cứu.

Một vấn nạn khác là khi lưu trữ AS quá lâu (trên 2 năm), khả tính tác tạo của nó bị yếu đi. Trong khi đó ES có thể sinh tồn năm này qua năm khác, bằng cách tự tái tạo, và tự thích nghi với môi trường sống mới (từ ống nghiệm qua cơ thể). Người ta băn khoăn chưa xác định nên hướng nghiên cứu về hướng nào. Đương thời một khuynh hướng có vẻ chiếm ưu thế cho rằng ES và AS là hai loại khác nhau, bổn phận của khoa học là phải nghiên cứu cả hai. Họ bào chữa rằng ích lợi cho nhân loại phải được đặt ra khỏi mặc cảm đạo đức.

Tuy nhiên ES cũng không phải không có vấn đề. Hiện nay ES chỉ dùng để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Chúng chưa thật sự giúp ích cho con người. Theo bs Josep Panno khi một ES được cấy vào cơ thể con người, hệ thống chống nhiễm (Immune system) của cơ thể coi ES ấy như một vật lạ xâm lược, cần phải tiêu diệt. Để tránh tình trạng này, người ta bắt buộc phải dùng những ES thân thuộc với cơ thể bệnh nhân. Diễn tiến đẩy xa tới khuynh hướng clonning (nhân bản vô tính). Họ tạo ra một phó bản người phôi bào chỉ dùng để lấy vật liệu chữa bệnh cho người chính gốc. Cho đến nay mục tiêu dùng ES bệnh vẫn chỉ còn là một giấc mộng của y học. Đáng tiếc giấc mộng ấy đã hủy diệt rất nhiều sinh mạng của phôi thai người.

Năm 2006, cánh của bí mật tế bào gốc mở tung bởi một khoa học gia Nhật Shinya Yamanka. Yamanka loan báo thành công trong việc nhân tạo ES. Như chúng ta đã biết bên trong nhân tế bào ES có chứa đựng thể DNA. DNA là một chuỗi những gene (mã số di truyền). Phương pháp của Yamanka là xếp đặt lại (reprogramming) cấu trúc gene DNA của một tế bào nào đó để nó đồng dạng với DNA của một ES. Yamanka đã lấy một tế bào da bình thường. Ông thay đổi vài gene trong thể DNA của nó. Nó biến dạng thành ES. Điều này có nghĩa là người ta không cần phải xé nát phôi bào để có ES. Như vậy vấn đề đạo đức được giải quyết vì không còn phôi bào bị giết. Năm 2007 bs James Thomson (Đại Học Wisconsin) cũng thành công tạo ra AS như vậy.

Vấn đề còn lại là nghiên cứu bệnh lý. Tại điểm này người ta vẫn còn cần phôi bào để học hỏi. Những mầm bệnh như tiểu đường hay Parkinson phát xuất từ những gene hư hỏng khi con người còn trong dạng phôi bào. Đàng khác thành quả của nhân tạo ES không cản được những người muốn nghiên cứu ES từ phôi bào và AS từ thai nhi.

Người lạc quan cho rằng, một ngày nào đó tế bào gốc sẽ thay thế cho mọi thứ thuốc men. trái lại nhiều khoa học gia hàng đầu như Gordon Keller (giám đốc Hội Nghiên Cứu Stem Cell, New York), Irving Weissman (Nhà sinh lý học tại Đại Học Stanford, California), Divid Shaywitz (Viện nghiên Cứu Stem Cell Harvard)… đều nghi ngờ. Hiện tại thành quả về chữa bệnh rất thấp. Điển hình là vào năm 1999, nhóm San Raffael, ở Milan Ý Đại Lợi, cho biết họ dùng AS ở tuỷ xương sống để tạo ra tế bào máu. Nhóm của Weissman, lập lại thí nghiệm để kiểm chứng thì chẳng thấy một kết quả nào. Năm 2002 nhóm Verfaillie, Đại Học Minnesota, cho biết họ tìm ra vài loại tế bào gốc hiếm trong tủy sống có thể trở thành đủ loại AS. Sau đó chính nhóm này đã thất bại khi nuôi những AS ấy trong ống nghiệm. Gần đây có lẽ ai cũng biết cuộc thất bại thảm thiết nhất của gs Hwang Woo-suk, (Đại Học Quốc Gia Hán Thành). Năm 2005, Hawang tuyên bố đã có thể dùng tế bào gốc để chữa bệnh. Sau đó người ta khám phá ra ông đã đưa ra những dữ kiện sai. Vụ sai lầm này khiến ông phải từ chức giáo sư và Hàn Quốc cảm thấy bị mất mặt.

Về bệnh Alzheimer (mất ký ức) lúc đầu người ta tin là ES có thể chữa được. Sau đó người ta thú nhận rằng cấu tạo của não quá phức tạp với hằng 100 tỷ tế bào thần kinh. “Chúng tôi không biết phải bắt đầu ở chỗ nào” (bs Lawrence Goldstein, Đại Học San Diego, California).

 

Diễn Tiến Tại Mỹ

Câu truyện bắt đầu từ khi tổng thống Ronald Reagan bị bệnh Alzheimer (mất ký ức), phong trào đòi hỏi quĩ bảo trợ nghiên cứu tế bào gốc, với cổ động viên Nancy Reagan, các tài tử Michael J. Fox và Christopher Reeve, có động lực bộc phát mạnh. Các khoa học gia cho rằng họ có thể theo dõi sự phát trển của tế bào gốc để tìm hiểu tại sao chúng lại sản xuất ra những bộ phận hư hỏng như bệnh liệt rung (parkinson), bệnh mất ký ức v.v. Mặc dù có vấn đề trong việc phá hủy phôi bào, nhưng nhóm ủng hộ cho rằng những mẫu thử nghiệm là những phôi bào dư thừa của phép thụ thai trong ống nghiệm bị loại bỏ. Những phôi bào dư này đàng nào cũng phải hủy đi. Tại sao không dùng để cứu những người bị đau khổ vì tật nguyền hay bệnh hoạn. Đa số các tiểu bang ủng hộ cuộc nghiên cứu tế bào gốc và đồng ý chi tiền cho viện nghiên cứu. Vấn đề còn lại là liên bang có tiếp tay hay không. Tổng thống Bill Clinton ủng hộ dự án này.

Luật pháp Mỹ không cấm việc nghiên cứu tế bào gốc. Tuy nhiên chính phủ có quyền không tài trợ cuộc nghiên cứu. Dưới thời tổng thống Bush, năm 2001 Tổng Giám Mục Josep A Fiorenza, nhân danh Hội Đồng Giám Mục Mỹ gửi cho Tổng Thống George W. Bush văn thư ngăn cản việc thử nghiệm tế bào gốc. Đức Gioan Phaolô II cũng có lời yêu cầu tương tự trong buổi gặp riêng tổng thống Bush vào ngày 23 tháng 7, 2001. Tuy đồng ý với luân lý Thiên Chúa giáo, nhưng kẹt trong thế chính trị, tổng thống Bush xử thế một cách dè dặt. Ông không chấp nhận những cuộc nghiên cứu sau tháng 8, 2001, nhưng cho tiếp tục chương trình nghiên cứu vốn đã có sẵn trước năm 2001 (xảy ra vào thời Clinton). Vào lúc đó người ta đã tách ES ra được 20 đường dây. Trong kho dự trữ có 400,000 phôi bào đông lạnh. Quyết định của ông Bush chia ý kiến quần chúng thành hai phe: chống và thuận. Tháng 7, 2006 vần đề đưa tới lưỡng viện liên bang. Cả 2 viện đều đồng ý cho phép tiếp tục nghiên cứu các đường dây tế bào gốc trên phôi bào. Ngay khi nhận được bản dự luật, ông Bush phủ quyết tức thì (ngày 19-7-2006). Ông cho rằng “Nó (dự luật) vượt quá ranh giới đạo đức mà một xã hội lành mạnh phải tôn trọng.” Trong khi việc nghiên cứu tế bào gốc được đa số công chúng và những nhân vật nổi danh ủng hộ, quyết định của Bush là một hành vi đạo đức đáng phục.

Tuy nhiên dù Bush thắng quốc hội, vấn đề vẫn chưa giải quyết tận gốc. Ông chỉ có thể kiểm soát kinh phí liên bang, nhưng không thể ngăn cấm tiểu bang và những viện nghiên cứu tư nhân không cần chính phủ liên bang trợ giúp. Năm 2004, Douglas Melton (Đại Học Hardvard) phân ra được 70 đường dây tế bào gốc ES.

Tháng giêng, năm 2009, tổng thống tân cử Barack Obama, cùng đảng Dân Chủ với Clinton, hủy bỏ lệnh cấm tài trợ cuộc nghiên cứu tế bào gốc và ủng hộ nghiên cứu phôi bào. Phe chủ trương nghiên cứu ES cho rằng phôi bào chỉ một nhóm tế bào. Nó không phải là người vì nó chưa có hệ thần kinh.

 

Lập Trường Của Công Giáo

Từ xưa Công Giáo vẫn tin con người đã đầy đủ tư cách là người và thần tính ngay từ giây phút thụ tinh (conception). Phôi bào hiển nhiên đã vượt xa giai đoạn gọi là giây phút thụ tinh. Giáo hội Công Giáo không phản đối khoa học, những phản đối hành vi tội lỗi nhân danh khoa học. Một thí dụ điển hình là một tháng sau khi tổng thống Obama ký văn kiện ủng hộ cuộc nghiên cứu tế bào gốc, đài CBS đưa tin người ta có thể thay đổi màu tóc, màu mắt và giống phái cho thai nhi. Có phải một vài người muốn đóng vai Thương Đế? Vấn đề này sẽ dẫn tới rất nhiều bàn cãi, nhưng sự sai lầm về tình yêu đã rõ rệt đến không thể bàn cãi. Rõ ràng là cha mẹ đối với con cái không có một tình yêu thuần khiết vô điều kiện. Cha mẹ chỉ muốn con với điều kiện nó phải có màu tóc, màu mắt và giống phái nào đó. Bác sĩ sẽ thực hiện điều ấy theo đơn đặt hàng.

Giáo hội chống nghiên cứu ES, nhưng không chống nghiên cứu AS. Tiêu chuẩn thẩm định giá trị đạo đức có thể rút ra từ những văn kiện của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation for the Doctrine of the Faith). Những văn kiện căn bản là: “Chỉ Đạo Về Sự Tôn Trọng Đời Sống Con Người Trong Dạng Nguyên Thể và Nhân Phẩm Trong Dạng Phôi Sinh” (Intruction on Request for Human Life in its Origin and on the Dignity of Procreation) năm 1987, và văn kiện “Phẩm Giá Con Người” (Dignitas Personae) năm 2008. Giáo hội khảng định phôi bào phải được công nhận là người chứ không là một vật. Phôi bào phải được yêu thương như chi thể của cộng đồng nhân loại. Xúc phạm nhân phẩm phôi bào là tội ác xâm phạm nhân phẩm của một hài nhi đã được sinh ra. Hơn nữa dù Giáo hội chông chấp nhận việc thụ thai trong ống nghiệm, nhưng khi sự việc đã xảy ra, phôi bào trong ống nghiệm cũng phải được tôn trong. Năm 1995, trong tông huấn “Tin Mừng Về Đời Sống” (The Gospel of Life), Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác nhận: “Phôi bào trong ống nghiệm là con người và là chủ thể của nhân quyền. Nhân phẩm và quyền sống của chúng phải được tôn trọng ngay từ phút đầu của sự hiện hữu. Sản xuất phôi bào để khai thác như vật liệu phế thải của sinh vật là vô luân.”

Hội Đồng Giám Mục Mỹ phát biểu: “Trợ giúp chi phí cho sự tạo tác và hủy diệt phôi bào, nhân danh nghiên cứu khoa học, là vô luơng tâm.” Các giám mục Mỹ tùy hoàn cảnh đều mạnh mẽ tranh đấu với chính quyền địa phương. Chẳng hạn khi chính phủ tiểu bang New Jersey chấp nhận quĩ nghiên cứu tế bào gốc, hội đồng giám mục New Jersey gửi văn thư cho thống đốc Richard J. Codey, “Chúng tôi cho rằng, đây là lúc quan trọng hơn bao giờ hết, chính phủ không được đối xử con người như là loại vật liệu, chỉ vì lợi ích của người khác.” Cha Tadeusz Pacholczyk, giám đốc National Carholic Bioethics, ở Philadelphia, cho rằng câu truyện tế bào gốc là “câu truyện thần tiên tân thời của thế tục. Người thời nay tin rằng khoa tế bào gốc của họ có thể đẩy lui thần chết.” Song song với những phản kháng, các giám mục Mỹ phổ biến rộng rãi sự kiện AS gốc đang được dùng để chữa hàng tá bệnh mà không phải giết hại phôi bào, để giáo dục tín hữu.

Thần học nhận định rằng sự phát triển của phôi bào là một tiến trình liên tục. Nó không rõ ràng qua từng bước một và cũng không phân chia theo thứ tự tầng lớp. Không ai có thể khảng định con người bắt đầu từ lúc nào. Do đó áp đặt một phán quyết phủ nhận giá trị nhân bản của phôi bào là kỳ thị và sai lầm. Nếu chấp nhận sự hủy diệt thành hình của phôi bào vì cho rằng nó chưa phải là người thì cũng phải chấp nhận phá thai là đúng. Sự thật, phá hủy phôi bào dù với bất cứ mục đích nào đều là sát nhân. Phôi bào là một kẻ yếu đuối không tiếng nói. Luân lý  không cho phép những thế lực mạnh đàn áp kẻ yếu với ngụy tín cho rằng mục đích tốt có thể biện minh cho phương tiện. Trường hợp đi cứu người này bằng cách đi giết người kia là phản công lý và luân lý, nhất là khi những người xử dụng quyền hành này để thu về những lợi nhuận tiền bạc. Theo giáo sư Polkinghorne, “Thành quả tiến bộ vĩ đại nhất của nhân loại, kể từ thời khai thiên lập địa, không phải là kỹ thuật khoa học mà là ý thức tôn kính sự sống. Nhờ tôn kính sự sống mà con người nhận diện được lương tâm của mình và trở nên hiểu chính mình.”

 

______________

Tài liệu tham khảo

Alan Marzilli. 2007. Stem Cell Research and Clonning. Infobase Publishing. New York, New York.

Alice Park. 2009. “The Quest Resumes”. Time magazine vol. 173, số 5 ngày Feb. 9, 2009.

Jacqueline Langwith chủ biên. 2007. Stem Cell (tuyển tập bài viết của nhiều tác giả). Greenhaven Press. Farmington Hills, Michigan.

Joseph Panno, Ph.D. 2005. Stem Cell Research. Facts On File, Inc. New York, New York.

Offices of the Congregation for the Doctrine of the Faith (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin). Dignitas Personae. 8 September 2008. Rome

Roman Espejo chủ biên. 2000. Human Embryo Experimentation (tuyển tập bài viết của nhiều tác giả). The Gale Group. San Diego, California.

GS Phan Toàn Thắng và công nghệ tách tế bào gốc

Có thể nói công nghệ bóc tách tế bào gốc từ màng dây rốn và dây rốn do GS – BS Phan Toàn Thắng phát hiện có ý nghĩa rất lớn trong sử dụng tế bào gốc vào nghiên cứu và điều trị, bởi vì nó gần như là câu trả lời cho tất cả những khó khăn và trở ngại của công nghệ tế bào gốc hiện hành.

Dưới đây là buổi trò chuyện với giáo sư Phan Toàn Thắng xung quanh việc ứng dụng công nghệ mới mẻ này vào cuộc sống.

Giáo sư đã từng nói rằng, việc tìm ra nguồn tế bào gốc từ màng dây rốn cũng là chuyện tình cờ?

Đúng vậy, một hôm có một dây rốn lạ gửi tới phòng nghiên cứu của chúng tôi, là chuyên gia nghiên cứu về da và vết thương nên ngay lập tức ý tưởng áp dụng kỹ thuật tách tế bào da vào màng dây rốn đã bắt đầu hình thành trong đầu tôi. Sau 4 tháng tìm tòi và nghiên cứu, công nghệ bóc tách tế bào gốc từ màng dây rốn và cuống rốn đã thành công.

Ưu và nhược điểm của công nghệ điều trị tế bào gốc là gì thưa giáo sư?

Sử dụng tế bào gốc điều trị có hai nguy cơ chính về an toàn được đặt ra đó là nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV, Viêm gan B. Nguy cơ đầu tiên được kiểm soát dễ dàng và thuận lợi qua việc làm xét nghiệm người cho cũng như xét nghiệm tế bào để đảm bảo không có bất kể một mầm bệnh nguy hại nào trước khi đưa vào sử dụng điều trị. không những thế, khả năng tạo thành khối u ác tính là rất có thể. Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất của các tế bào gốc phôi (embryonic stem cells).

Tế bào gốc phôi nuôi trong ống nghiệm được ví như đứa trẻ 3 tuổi tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh xã hội nó có thể trở thành người tốt hoặc kẻ xấu trong tương lai. Hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra phương thức hiệu quả để kiểm soát quá trình biệt hóa của tế bào gốc phôi nuôi trong ống nghiệm thành tế bào tốt chứ không phải tế bào ác.

Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells) và tế bào gốc nhũ nhi (infant stem cells) được coi là an toàn hơn cả. Hai loại này không tạo khối u ác và đã được sử dụng trong lâm sàng điều trị rất nhiều năm mà không có tai biến tạo u ác tính. Do đó, ứng dụng tế bào gốc từ màng dây rốn được coi là phương pháp an toàn nhất. Vì màng dây rốn và dây rốn phát triển từ phôi thai ở tháng thứ 1 và được thu giữ lại ở tháng thứ 9 nên tính chất tế bào gốc còn rất tốt. Những người khoẻ mạnh thì sẽ trẻ lâu hơn vì khả năng chống lão hóa của tế bào gốc.

Được biết tế bào màng dây rốn còn ứng dụng trong cả ngành thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp?

Thực tế, màng nhau thai và dây rốn đã được sử dụng từ rất lâu trong y học để điều trị vết thương bỏng, vết thương nhãn cầu. Các chế phẩm của nhau thai đã được sử dụng để bồi bổ sức khỏe và chống lão hoá. Hiện một số nước phát triển trên thế giới đã sử dụng tế bào gốc từ nhau thai người và động vật cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp.

Tế bào gốc và các chế phẩm chứa một lượng protein tốt, các yếu tố phát triển và các chất nền tảng giúp cho chức năng tế bào da tốt hơn giúp cho làm đầy các nếp nhăn. Theo một số công trình nghiên cứu gần đây của một trung tâm ghiên cứu ung thư hàng đầu của Mỹ tại Đại học Texas, Trung tâm MD Anderson, thì tế bào gốc còn có khả năng điều trị các khối u tạng đặc (ung thư vú, gan, phổi, não…).

GS đang cùng các đồng nghiệp tại Singapore( nơi GS Thắng sinh sống và làm việc) đang tiến hành nghiên cứu trên động vật để điều trị vết thương, tổn thương da do lão hóa và tia xạ, gẫy xương và tổn thương sụn, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, tai biến mạch máu não… Kết quả thu được là…?

Kết quả ban đầu thu được thật đáng khích lệ, đó là bước đệm để cho dự định đầu năm tới sẽ tiến hành điều trị phương pháp bóc tách và nuôi cấy tế bào dây rốn trên người. Trước tiên, cho các loại vết thương bỏng và vết thương mãn tính do tiểu đường tại Singapore, Hồng Kông, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Những năm tiếp theo, sẽ tiến hành tiếp việc ứng dụng điều trị trên người cho các loại tổn thương sụn và gẫy xương. Trong tương lai xa hơn, sẽ tiến hành áp dụng điều trị trên người cho các loại bệnh như: Tiểu đường và nhồi máu cơ tim.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Ưu điểm của công nghệ tách tế bào gốc từ màng dây rốn 

– Không vi phạm y đức, không gây tổn thương cho cả mẹ và con trong quá trình thu giữ dây rốn.

– Quá trình thu giữ dễ dàng nên việc lưu giữ bảo quản đông lạnh rất thuận lợi và hiệu quả cho việc sử dụng tế bào gốc màng dây rốn để điều trị cho gia đình và bản thân trong tương lai (như một loại bảo hiểm) các loại bệnh như: Bỏng, tổn thương da, gãy xương, teo cơ, tổn thương sụn và gân, liệt tủy, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, Parkinson… và thậm chí có thể dùng cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp.

– Kỹ thuật nuôi cấy không quá phức tạp và tốn kém nên các nước đang phát triển có thể sớm áp dụng công nghệ này.

Việc đào tạo và chuyển giao công nghệ bóc tách, nuôi cấy tế bào gốc từ màng dây rốn của về Việt Nam của Gs Thắng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ủng hộ và thông qua và triển khai vào đầu năm 2007. Sẽ có nhiều đơn vị ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn tham gia.

Phạm Thanh- Mai Hương

(thực hiện